Thời tỵ nạn, tuổi lưu vong
– Tôi không có.
– Như thế thì đừng mua.
– Tôi không có hồ ấm, nhưng tôi sẽ cho nước ấm mỗi ngày và tôi sẽ để nó ở trong bếp nơi tôi nấu ăn. Nếu cần, tôi sẽ đặt đèn cho nó cả ngày.
Anh ta miễn cưỡng mang cái bao ni-lon lại vớt hai con ếch to bằng hai con dế nhũi cho vào, đưa cho tôi với câu nói:
– Anh đừng lo tôi ở xứ nóng sang đây, tôi cũng phải tập quen với cái lạnh. Hai con ếch này sẽ có ngày chúng bắt tôi cho thêm đá vào nước đấy.
Tôi mang ngay hai anh chàng Phi Châu về. Cái nhà của Biga bây giờ chỉ còn cây thủy trúc nhỏ. Dọn hai chàng này vào không được. Ếch cần có cái sàn rộng hơn. Tôi lại chạy đi mua một cái bình hình chữ nhật, ra vườn tìm ba hòn đá, cần một hòn mỏng, để làm nóc, tôi biết ếch thích leo trèo và thích có hang. Tôi kiếm được một miếng gạch vỡ, rửa sạch tất cả, xếp thành hình cái hang nhỏ trong đáy bình. Đổ nước âm ấm, thả hai con ếch vào, đứng ngắm:
Hai con ếch dọn vào nhà mới không phải ao cũ, nhưng được nghe ngay thơ Basho, chúng thật là may mắn.
Tôi nhìn hai con ếch mang nhãn Phi Châu với màu da vàng nhợt nhạt, nhớ đến con cá Xiêm, bất giác nghĩ đến phận mình, phận của bao nhiêu con người nữa, khác chi như cá, như ếch, như bông hoa lục bình trôi từ sông nước quê nhà tạt vào một xứ sở xa xăm.