Canada và tình trạng khủng hoảng của số người tỵ nạn
Mới đây khi bình luận về tình trạng khủng hoảng tỵ nạn ở Âu Châu và các quyết định của chính quyền liên bang với tình trạng chao đảo đó, đại tướng hồi hưu Rick Hillier của quân lực Canada đã nói rằng, Canada có khả năng không vận 50 ngàn người tỵ nạn Syria qua Canada từ nay cho đến cuối tháng 12.
Tướng Hillier cũng cho rằng việc thủ tướng đòi phải điều tra lý lịch của những người tỵ nạn Syria, trước khi cho họ định cư là một điều không tưởng.
Hiện nay theo thủ tướng Harper, thì chính quyền liên bang sẽ thâu nhận thêm 10 ngàn người tỵ nạn Syria và Iraq trong vòng 4 năm sắp đến.
Nhiều người nghĩ là việc thâu nhận những người tỵ nạn người Trung Đông sẽ gây khó khăn cho những quốc gia Âu Châu, vì sự khác biệt văn hóa và tôn giáo, sẽ gây khó khăn cho việc hội nhập những người tỵ nạn này. Khác với trường hợp của những người tỵ nạn của những thập kỷ trước đây.
Tuy nhiên theo nhận định của nhiều kinh tế gia thì số người tỵ nạn Trung đông có thể sẽ giúp cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia Âu Châu, những nơi mà có số người già gia tăng.
Những người tỵ nạn trẻ tuổi đến định cư ở các quốc gia có nhiều người về hưu, sẽ đi làm d0óng thuế, để chính quyền có tiền nuôi những người già.
Nhận định cũng cho rằng, nước Đức cũng sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất khi thâu nhận hàng trăm ngàn người tỵ nạn, vì nước Đức đang thiếu hụt rất nhiều nhân công, nhất là những người làm việc chân tay.
Theo các thống kê thì nếu không có sự nhập cư của những người tỵ nạn Trung đông, thì trong vòng 15 năm nữa, nước Đức sẽ thiếu hụt 6 triệu nhân công vì số người già gia tăng, trong khi số trẻ em ra đời sút giảm.
Nhưng thâu nhận thêm 800 ngàn người tỵ nạn Trung đông sẽ khiến chính quyền Đức phải chi ra 6 tỷ euros cho các chi phí giúp đỡ những người tỵ nạn.
Trong năm ngoái, Thụy Điển đã thâu nhận 80 ngàn người tỵ nạn, một tỷ lệ thâu nhận cao, so với dân số của xứ này.
Theo bà Kristina Persson , bộ trưởng Nordicco-operation của chính quyền Thụy Điển thì những người tỵ nạn thâu nhận vào đã giúp thay thế một số những người Thụy Điển đã đến tuổi hưu.
Những người tỵ nạn Trung đông cũng biết điều đó, cho nên khi họ vừa từ thuyền vào đến Âu Châu, thì mục tiêu tối hậu của những người này là tìm đường đến nước Đức.