Cho đến hôm 18 tháng 4, sau hơn 3 ngày người dân bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và viên chức chính quyền làm con tin ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Công an thành phố Hà Nội mới họp báo đưa tin chính thức.
Báo Công an trích lời tướng Định nói: “Từ đầu năm 2017 đến nay, số công dân khiếu kiện liên tục lôi kéo, kích động người dân có các hành vi vi phạm pháp luật với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng; xâm chiếm đất quốc phòng; gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn; cản trở các hoạt động bình thường, sinh hoạt của quần chúng nhân dân; chống người thi hành công vụ và bắt, giữ người trái pháp luật.”
Cuối buổi họp báo, công an thành phố Hà Nội kết luận: “Đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh.”
Trên trang mạng VOA Việt ngữ, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định rằng chính quyền và truyền thông nhà nước đang rất “lúng túng”. Ông Nguyễn Quang A nói, “Toàn bộ báo của nhà nước đã không làm chức năng báo chí, tức là đưa tin tức về sự thật, mà chỉ là cái loa của chính quyền. Họ im lặng cả 3-4 ngày, rồi đến lúc 15 cảnh sát cơ động của Hà Nội được thả ra thì họ bắt đầu trở mặt và lên tiếng một cách đồng loạt. Đấy là một hình mẫu ứng xử đã quá quen thuộc của chính quyền.”
Về cuộc họp báo và phát biểu của Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Bạch Thành Định, Tiến sĩ A nói:
“Ứng xử của chính quyền càng ngày càng dở. Cuộc họp báo vừa rồi, một ông tướng của công an Hà Nội đã nói một cách hết sức phách láo, coi người dân ở Đồng Tâm như là những thế lực thù địch, thế này thế kia.”
Trong khi đó, truyền thông mạng xã hội liên tục đưa tin cập nhật các diễn biến vụ Đồng Tâm.
Luật sư Trần Vũ Hải, nhận xét: “Báo chí Việt đã thất bại hoàn toàn trước mạng xã hội khi truyền thông về vụ này. Rất mong các nhà báo, đặc biệt các bạn VTV, đừng bao giờ nói những điều kẻ khác tọng vào mồm. Các bạn còn có tai, có mắt và có trái tim đó!”
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook: “không có gì ngăn nổi làn sóng thông tin sự thật. Vụ nổi dậy của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc Hải Phòng năm 2012 đã có đến gần 100 bloggers đưa tin đa chiều, mang sự thật đến cho người dân, tác động khá tốt lên báo chí lề đảng. Năm năm sau, vụ nổi dậy của nông dân Đồng Tâm – Mỹ Đức, đang diễn ra, đã có cả triệu facebooker theo dõi đưa tin. Thông tin sự thật về Đồng Tâm tràn ngập trên tất cả các mạng xã hội, trên hầu hết các trang tin lề dân từ trong ra ngoài nước.”
Hôm 19 tháng 4, báo điện tử VnExpress đăng bài viết của một nữ phóng viên báo này, thuật lại chuyến đi đưa tin đúng ngày xảy ra sự kiện.
Bài viết nhận được nhiều phản hồi có đoạn: “…Tôi đã bắt đầu hành trình trong thôn Hoành [xã Đồng Tâm] bằng sự sợ hãi đến cứng người, nhưng ra về với tâm trạng bình yên. Đưa tôi ra khỏi thôn, những người đàn ông, phụ nữ bỏ gậy xuống, rời đi những ánh mắt giận dữ, họ lại trở về với sự đôn hậu của những người dân quê. Sau những đống sỏi đá ngổn ngang đổ xuống làm chướng ngại vật là những biểu ngữ, ‘Không chống chính quyền’… Nhiều người trong số họ chỉ có nhu cầu được lắng nghe. Một cuộc đối thoại thực sự công khai đang được chờ đợi”.
Hiện chưa rõ các cấp lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam sẽ giải quyết vụ Đồng Tâm cách nào.
Được biết, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức khẳng định là ông sẵn sàng đối thoại với những người dân xã Đồng Tâm nếu cần thiết.
Tin tức cũng nói ông Nguyễn Văn Chiến, luật sư, đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri Mỹ Đức, đã về làm việc với dân trong hôm 19 tháng 4.
Tin cho hay cụ ông Lê Đình Kình, nhân vật duy nhất trong số 4 người bị công an lừa bắt đi hôm 15 hiện còn chưa về nhà hiện đang nằm Bệnh viện Việt Đức sau ca phẫu thuật gãy xương đùi phải.
Gia đình cụ cho hay “Cụ bị vỡ xương đùi. Chúng tôi không có bằng chứng để biết chính xác làm sao cụ bị gãy xương, nhưng từ sau khi công an bắt đi thì cụ phải điều trị trong viện.”
“Chúng tôi đoán là khi công an bắt thì có sự xô xát khiến cụ bị thương. Cụ là thương binh, hai chân đi tập tễnh nên di chuyển có thể khó khăn.”