Tuyên bố của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được công bố sau khi hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này thể hiện một lập trường mềm mỏng hơn về tranh chấp ở Biển Đông.
Theo Reuters, bản tuyên bố được đưa ra sau hội nghị hôm 30 tháng 4 tỏ ra “dễ dãi với Trung Quốc” sau khi không đề cập đến việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo quân sự.
Bản Tuyên bố của ASEAN ghi nhận “sự hợp tác tốt đẹp hơn giữa ASEAN và Trung Quốc”, và không nhắc đến “căng thẳng” hoặc “các hoạt động leo thang” như trong bản thông cáo ra sau hội nghị năm ngoái.
Trong bản Tuyên bố cũng đoạn ghi nhận có một số mối quan ngại của các nhà lãnh đạo về “những diễn biến gần đây” ở vùng biển có tuyến vận tải chiến lược và giàu tài nguyên, nhưng không nói cụ thể các quan ngại đó là gì.
Trung Quốc không phải là thành viên của ASEAN và không tham dự các hội nghị thượng đỉnh nhưng lại hết sức nhạy cảm với nội dung tuyên bố của ASEAN. Trung Quốc lâu nay bị cáo buộc là cố gắng gây ảnh hưởng đến các bản thảo tuyên bố để ngăn chặn những lời lẽ mà Trung Quốc coi là trái ngược cũng như thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này về một khu vực biển rộng lớn.
Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) hồi tháng Bảy năm ngoái phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và ra phán quyết có lợi cho Philippines, Bắc Kinh đã tiến hành vận động hành lang với Manila.
Trước đó, hôm 27 tháng 4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hiện đang là chủ tịch khối ASEAN, nói sẽ không có ích gì trong việc thảo luận về các hoạt động trên biển của Trung Quốc, “bởi vì dù sao cũng không ai dám gây áp lực với Bắc Kinh.”
Trong bài viết đăng trên Forbes ngày 27 tháng 4, tác giả Ralph Jennings bình luận rằng nếu Việt Nam không đề cập đến Hoàng Sa trong Quy tắc COC thì điều này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc bành trướng các đảo nhỏ này, nơi nước này đang xây dựng một thành phố và các dự án quân sự.
Nhưng nếu như Quy tắc COC này được ký kết, Việt Nam sẽ vẫn là kẻ thua cuộc lớn nhất, tác giả viết.
Trung Quốc sẽ không để Việt Nam hay bất kỳ ai đưa tàu vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và sẽ phản đối lại bất cứ quy tắc ứng xử nào đưa ra từ trong khu vực.